Bối cảnh Chiến_dịch_phòng_thủ_Novorossiysk

Cuối năm 1942, Novorossisk là hải cảng lớn nhất còn lại của Hải quân Liên Xô tại Biển Đen trong khi các căn cứ hải quân quan trọng như Odessa, Sevastopol lần lượt bị quân Đức đánh chiếm. Mặc dù Liên Xô còn có một số cảng ở phía Nam như Batumi và Poti nhưng tại các cảng này không có đủ các công trình kỹ thuật để bảo dưỡng, sửa chữa tàu chiến, đặc biệt là tàu ngầm. Mực nước nông của các cảng này cũng không cho phép các thiết giáp hạm hạng nặng có thể cập bến. Nếu để mất Novorossiysk, Hạm đội Biển Đen của Hải quân Liên Xô có thể bị tê liệt. Do đó mà Novorossiysk đã trở thành một trong các mục tiêu quan trọng của Kế hoạch Edelweiß. Và cũng chính vì vậy mà Novorossiysk trở thành một chiến trường khốc liệt, tuy chật hẹp nhưng lại thu hút nhiều sinh lực và phương tiện của Quân đội, Hải quân Liên Xô và quân đội Đức Quốc xã tham chiến tại đây.[2]

Cuối tháng 8 năm 1942, trong khi Tập đoàn quân xe tăng 1 (Đức) cố gắng đánh chiếm các khu mỏ dầu Maikop thì Tập đoàn quân 17 (Đức) dã đánh bật quân đội Liên Xô khỏi bán đảo Taman và ra đến bờ Biển Đen ở phía Bắc Novorossiysk. Không đạt được một kết quả quyết định trong việc đột kích trực diện vào Tuapse từ hướng Shaumyan, tướng Richard Ruoff, tư lệnh Tập đoàn quân 17 (Đức) đã tập trung quân đội của mình vào sườn bên phải để đánh chiếm quân cảng Novorossiysk, vừa để hạn chế hoạt động của Hạm đội Biển Đen (Liên Xô), vừa mở thêm một hướng đột kích từ phía ven bờ Đông của Biển Đen vào phía sau khu phòng thủ Tuapse với ý đồ cắt đôi Cụm tác chiến Biển Đen của quân đội Liên Xô.[3]